Kết nối kinh doanh (Networking) không chỉ đơn giản là gặp mặt bắt tay và trao danh thiếp, mà bạn cần phải xây dựng “Nguồn vốn xã hội” cho bản thân. Kết nối kinh doanh là “gieo trồng” không “săn bắt”, nghĩa là bạn phải nuôi dưỡng mối quan hệ với các chuyên gia kinh doanh khác, và phải thật sự nhận ra nguồn vốn thu được từ việc xây dựng các mối quan hệ xã hội. Sau đây là 9 bí quyết giúp bạn làm chủ nghệ thuật kết nối kinh doanh:
1. Tương tác với khách hàng được giới thiệu
Nếu bạn trao cơ hội kinh doanh cho người khác, dù đó là mẩu thông tin liên hệ, là mối quan hệ đặc biệt của bạn hay lời giới thiệu cơ hội kinh doanh chất lượng nhưng họ thường xuyên không duy trì tương tác với khách hàng được giới thiệu, thì tất nhiên bạn sẽ không tiếp tục lãng phí thời gian tìm kiếm cơ hội kinh doanh cho người đó nữa.
2. Duy trì thái độ tích cực
Thái độ tiêu cực sẽ khiến người khác không muốn ở gần bạn và bạn sẽ đánh mất cơ hội kinh doanh tiềm năng. Vì vậy việc duy trì thái độ tích cực sẽ giúp người khác muốn hợp tác và làm việc cùng với bạn. Những chủ doanh nghiệp tích cực được ví như nam châm thu hút người khác tiếp cận và giới thiệu bạn bè, người thân cho họ.
3. Đáng tin cậy
Khi giới thiệu cơ hội kinh doanh cho người khác thì chính bạn đang đánh cược uy tín của bản thân. Điều này đòi hỏi bạn phải tin tưởng đối tác trao cơ hội kinh doanh và ngược lại họ cũng phải tin tưởng bạn, vì chính bạn hay bất kỳ ai cũng sẽ không giới thiệu mối quan hệ hoặc thông tin quý giá cho người mà bạn không tin tưởng sẽ tương tác tốt với cơ hội kinh doanh nhận được.
4. Luyện tập kỹ năng lắng nghe
Thành công của người kết nối kinh doanh phụ thuộc vào việc người đó lắng nghe và học hỏi như thế nào. Bạn và đối tác kinh doanh càng nhanh chóng tìm hiểu những điều cần biết về đối phương thì càng nhanh chóng xây dựng mối quan hệ vững mạnh. Hãy giao tiếp thật hiệu quả, hãy lắng nghe và học hỏi.
5. Không ngừng kết nối
Một bậc thầy kết nối kinh doanh sẽ không ngừng kết nối. Đối với họ, hoạt động kết nối kinh doanh trở thành một thói quen hàng ngày, và họ sẽ kết nối dù đang xếp hàng ở tiệm tạp hóa, trên mạng trực tuyến hoặc ngay cả khi đang làm việc tại nhà. Sau thời gian này, chúng ta sẽ nhanh chóng quay trở lại với hoạt động giao lưu, kết nối trực tiếp tại các buổi họp kết nối kinh doanh.
6. Bày tỏ lòng biết ơn
Môi trường kinh doanh hiện nay đang thiếu thốn trầm trọng sự biết ơn. Việc thể hiện sự biết ơn với các đối tác và khách hàng kinh doanh sẽ góp phần vào công việc nuôi dưỡng các mối quan hệ dẫn tới gặt hái nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Người khác thường có xu hướng giới thiệu cơ hội kinh doanh cho những chủ doanh nghiệp làm chủ được phẩm chất này. Bày tỏ sự biết ơn bất cứ khi nào có thể sẽ giúp bạn trở nên nổi bật giữa đám đông.
7. Giúp đỡ người khác
Bậc thầy kết nối kinh doanh sẽ luôn chú ý lắng nghe và quan sát cơ hội giúp đỡ người khác bất cứ khi nào có thể. Sự giúp đỡ có thể bằng nhiều hình thức khác nhau, từ việc bạn có mặt tại văn phòng của họ để giúp họ chuyển đồ cho tới việc gửi nội dung bổ ích, thú vị mà đối phương đăng tải cho các đối tác và khách hàng của bạn.
8. Thể hiện sự chân thành
Dựa vào cách bạn thể hiện, đối phương sẽ nhận ra bạn có thật sự quan tâm đến họ hay không. Những người rèn luyện được kỹ năng kết nối kinh doanh thành công sẽ luôn thể hiện sự chân thành với người khác. Một trong những cách để làm điều này là thật sự quan tâm tới đối tượng mà bạn đang kết nối kinh doanh.
9. Làm chủ nghệ thuật kết nối kinh doanh
Bậc thầy kết nối kinh doanh sẽ không để vụt mất bất kỳ cơ hội kết nối nào. Họ quản lý tốt các mối quan hệ đang sở hữu, hệ thống hóa các địa chỉ email và luôn mang theo danh thiếp của đối tác kinh doanh lẫn danh thiếp của mình. Họ sẽ chủ động lên lịch hẹn gặp để kết thân với các mối quan hệ mới, từ đó tìm hiểu thật nhiều thông tin về đối phương và thật sự trở thành một nhân tố trong mạng lưới mối quan hệ của đối tác kinh doanh.