Kỹ năng xây dựng mối quan hệ mang đến sự thành công không chỉ trong công việc mà còn giúp gia tăng chất lượng cuộc sống hiệu quả. Cách cư xử trong giao tiếp sẽ là nhân tố quyết định cho việc mối quan hệ có được xây dựng bền vững và lâu dài hay không.
MBN Việt Nam sẽ cùng bạn tìm hiểu về khái niệm cũng như cách cơ bản để nâng cao kỹ năng xây dựng mối quan hệ trong bìa viết dưới đây.
Vì sao lại cần xây dựng mối quan hệ?
Việc xây dựng mối quan hệ bền chặt giúp công việc và cuộc sống được phát triển với nhiều lợi ích lớn. Nếu có những mối quan hệ tốt trong cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ luôn cảm thấy vui vẻ, gia tăng sự hạnh phúc, có thể dễ dàng chia sẻ để nhận được lời động viên tích cực trước khó khăn nào đó.
Còn trong công việc và kinh doanh, những mối quan hệ đồng nghiệp khăng khít sẽ là bàn đạp giúp bạn phát triển kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm và nâng cao cơ hội thăng tiến. Rộng hơn, nó sẽ giúp cho môi trường làm việc thêm năng động, thoải mái và gần gũi, môi trường lý tưởng để nhân viên có thể làm việc hiệu quả.
Hiện nay, mỗi người chúng ta đều cần rèn luyện những kỹ năng xây dựng mối quan hệ trong xã hội, công việc, hay ngay cả giữa các ngành khác nhau. Bởi sự liên kết này có thể đem lại cho bạn những kiến thức bổ ích mới.
Những lý do khiến mối quan hệ bị đổ vỡ
Quá trình xây dựng mối quan hệ sẽ trở nên đơn giản hơn nếu bạn là người nắm thế chủ động trong tất cả mọi việc và áp dụng những kỹ năng xây dựng mối quan hệ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách để có thể tạo ra được một mối quan hệ tốt đẹp và vững mạnh trong cuộc sống và công việc. Nếu bạn muốn gây dựng lên một mối quan hệ tốt đẹp hơn với những người xung quanh, hãy xem xét lại bản thân có đang mắc phải những lỗi này không.
Giao tiếp kém
Kỹ năng giao tiếp khiến bạn thu hút những người khác bởi sự khéo léo qua lời nói, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười,… Những yếu tố này ấn định phong cách, con người bạn và gây thiện cảm với người khác. Vì thế, xây dựng mối quan hệ tốt, bạn cần trau dồi kỹ năng giao tiếp bởi những hành động thể hiện thiện chí với người mà bạn tiếp xúc.
Không trung thực
Trong bất kể một mối quan hệ nào, việc không trung thực, thất hứa là nguyên nhân chính gây ra tình trạng đổ vỡ trong xây dựng mối quan hệ. Điều quan trọng để tạo lên mối quan hệ vững chắc nằm ở sự tin tưởng, khi mà bạn thường xuyên nói dối, trễ hẹn, chậm deadline hay lấp liếm lỗi sai thì rất khó để có thể lấy lại được sự tin tưởng từ người khác.
Thiếu sự chân thành
Nếu không đối xử với nhau chân thành hay có sự tôn trọng thì sẽ rất khó để có thể tạo dựng lên được việc hợp tác lâu dài. Hãy nhớ, việc nịnh nọt, giả tạo sẽ không mang đến mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống vì vậy cần phải loại bỏ ngay tính cách này nếu như muốn xây dựng mối quan hệ vững mạnh hơn.
Cái tôi lớn
Trên thực tế, những người có cái tôi lớn thường bị coi là người bảo thủ và rất khó có thể xây dựng được mối quan hệ lâu dài. Bởi việc luôn tin tưởng vào bản thân một cách thái quá, không tiếp nhận thông tin đóng góp sẽ cho người khác cảm thấy không được tôn trọng và nảy sinh ác cảm
Không có sự tin tưởng
Nếu không có niềm tin vào một người nào đó, bạn sẽ luôn có xu hướng đề phòng, không chắc chắn về những việc người đó thực hiện và luôn hoài nghi thái quá. Đây là rào cản rất lớn ở một mối quan hệ thân thiết, khiến mối quan hệ dần trở nên gượng ép. Vì thế, hãy gỡ bỏ những nghi ngờ bằng một vài đánh giá, nhìn nhận về người đó hoặc nói chuyện để có thể hiểu rõ người mà mình giao tiếp.
Các kỹ năng xây dựng mối quan hệ bền vững
Kỹ năng xây dựng mối quan hệ bền vững cần được trau dồi theo thời gian đủ lâu, thực hành vào thực tế hàng ngày hàng giờ, xem nó là một thói quen của bản thân, mới có thể tạo ra những giá trị hiệu quả rõ rệt. Dưới đây là 10 kỹ năng xây dựng mối quan hệ bền chặt bạn có thể tham khảo và áp dụng vào quá trình tạo dựng các mối quan hệ của mình.
1. Tỏa ra năng lực tích cực
Các chương trình hay những đoạn vlog bạn sẽ thường thấy nhân vật chính hay người dẫn dắt sử dụng giọng nói nhẹ nhàng cùng nụ cười rạng rỡ để truyền đạt thông tin. Đấy chính là những năng lượng tích cực, sự lạc quan, vui tươi. Tâm lý chúng ta dễ dàng đón nhận những nội dung hay muốn được kết thân với những người bạn cho ta cảm giác thân thiện, vui vẻ.
Vì thế, hãy thể hiện thái độ niềm nở khi bắt chuyện với người khác với gương mặt tươi cười để tạo thiện cảm ngay từ lần đầu tiên nói chuyện. Nếu bạn lúc nào cũng thể hiện bộ mặt khó chịu, thái độ tiêu cực thì chắc hẳn bạn bè và đồng nghiệp sẽ tránh xa và không dám lại gần.
2. Kỹ năng lắng nghe câu chuyện một cách sâu sắc
Việc lắng nghe sâu sắc không chỉ dừng lại ở việc bạn sử dụng tai để tiếp nhận thông tin, mà nó còn là quá trình phân tích và thấu hiểu những thông tin đó. Hãy cố gắng rèn luyện thói quen tiếp nhận thông tin nhiều hơn những gì đối phương nói thông qua cử chỉ, tính cách, trạng thái của họ. Sự thấu hiểu này sẽ xây dựng được những mối quan hệ bền chặt lâu dài.
Khi tiếp nhận được thông tin từ đối phương, hãy cố gắng dừng lại một nhịp để xác định chính xác những thông tin mà họ đang muốn bạn nghe và nói ra những cảm nhận, ý hiểu của mình một cách cởi mở, thoải mái. Cần chú ý rằng thay vì chỉ ngồi nghe và đáp lại một cách cứng nhắc thì bạn nên sử dụng cả ngôn ngữ cơ thể như mắt, tay, chân…để thể hiện mình là người đang thật lòng lắng nghe họ chia sẻ.
3. Kỹ năng thể hiện sự đồng cảm
Sự đồng cảm sẽ cho người khác cảm thấy được an ủi và có cảm giác an toàn. Việc bạn tiếp nhận thông tin, bỏ qua những quan điểm cá nhân để cùng san sẻ những lỗi sai hay sự khó khăn một cách vui vẻ sẽ giúp đối phương lấy lại bình tĩnh nhanh chóng. Tuy nhiên, kỹ năng đồng cảm cần được vận dụng đúng cách. Trong một số trường hợp, nếu nhận ra những quan điểm không phù hợp, hãy cố gắng xoa dịu cảm xúc đối phương và góp ý, khuyên nhủ bằng những thấu cảm chân thật của mình.
4. Hưởng ứng một cách khôn khéo
Hưởng ứng câu chuyện khôn khéo cần dựa vào cảm xúc và tâm trạng của đối phương, gồm trạng thái biểu cảm, hành động, cường độ nói chuyện,… Nên khi đáp ứng lại câu chuyện hãy chắc chắn rằng sự hưởng ứng đó giúp quá trình trò chuyện có thêm giá trị và thoải mái hơn. Dựa trên kinh nghiệm giao tiếp và khả năng nhạy bén của mình, bạn có thể chia sẻ những ý kiến cá nhân để đóng góp, thể hiện biểu cảm trên gương mặt, lời phê bình,… Nó sẽ giúp bạn trở thành người bạn thân thiết trong mắt của người khác.
5. Kỹ năng tự đánh giá bản thân
Liệu bạn có thể biết rõ ưu – nhược điểm của bản thân? Vì sao mọi người yêu quý bạn? Những đặc điểm của bạn không được lòng người khác? Đôi khi, thấu hiểu bản thân chính là cách cơ bản để bạn thiết lập những mối quan hệ thân thiết. Khi biết được những nhược điểm của mình, bạn có thể dễ dàng đưa ra các phương pháp điều chỉnh và tiết chế, tránh trường hợp cảm xúc biểu lộ thái quá, gây mất thiện cảm. Và khai thác tối đa những thế mạnh của bản thân, tập trung xây dựng các mối liên kết bền chặt.
Lưu ý: Trong quá trình tự đánh giá bản thân, bạn cần lưu ý hai yếu tố cơ bản, gồm khả năng tự đánh giá và ý thức tự điều chỉnh.
6. Kỹ năng giao tiếp
Trong mọi mối quan hệ, chúng ta đều sử dụng hình thức giao tiếp để trao đổi thông tin, chia sẻ hay bày tỏ cảm xúc. Vậy, giao tiếp thế nào để có được những mối quan hệ thân khăng khít? Bạn cần phải rèn luyện kỹ năng này với nhiều nhiều tố cấu thành như lắng nghe, cách tiếp nhận thông tin, giọng nói, thái độ. Bên cạnh đó, cần phải hiểu được người mà bạn sẽ nói chuyện và đánh giá tình trạng mối quan hệ (Là xã giao hay thân thiết) để có cách bày tỏ phù hợp.
7. Trau dồi kỹ năng chê khéo léo
Không phải ai trong chúng ta muốn nhận những đánh giá tệ hay những lời chê trách từ người khác. Đối với những người nhạy cảm, việc phải tiếp nhận thông tin không tốt lại càng khó khăn và cảm giác khó chịu trong mối quan hệ với người luôn chê bai mình.
Kỹ năng chê cần được phát triển từ những chia sẻ thẳng thắn với vấn đề một cách khéo léo, đừng thẳng thừng “Như vậy là sai” “Như vậy là tầm thường”, hay chê bai, phê bình trước nhiều người. Trước tiên, hãy để họ thấy được năng lực, giá trị của bản thân bạn và chia sẻ các nhận định khách quan. Sau đó, để cho họ khoảng thời gian tĩnh để ngẫm nghĩ về toàn bộ quá trình, đối chiếu và tự nhận ra những thiếu sót của bản thân.
Với cách làm này, họ sẽ dễ dàng đón nhận thông tin và được cải thiện tốt hơn. Mối quan hệ của cả hai sẽ được xây dựng và duy trì bởi sự góp ý chân thành và nhẹ nhàng nhất.
8. Luôn sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ
“Người khác là tấm gương phản chiếu chính mình” – Đúng vậy, nếu bạn muốn nhận được sự giúp đỡ, ân cần từ người khác, thì hãy học cách cho đi trước tiên. Trở thành người năng nổ, luôn sẵn sàng hỗ trợ những người bạn, các mối quan hệ thể hiện sự chân thành, thân thiện và sự tử tế của bản thân. Điều này khiến bạn trở nên thu hút và các mối quan hệ cũng được cải thiện hơn.
9. Cung cấp những giá trị chất lượng
Những giá trị chất lượng ở đây không phải là tiền bạc hay vật chất, nó là các đóng góp về chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ về tư duy nhằm thúc đẩy người khác trở nên tốt hơn. Có thể là cách mà bạn làm người khác cười, hay cách mà bạn giúp người ấy làm việc hiệu quả hơn,… những giá trị này thường thấy ở hầu hết các mối quan hệ thân thiết.
Để làm được điều này, bản thân của bạn cũng cần phải hoàn thiện vốn hiểu biết của mình để có đủ khả năng chia sẻ, đầu tư thời gian, công sức vào những ý kiến đóng góp cho người khác.
10. Cho người khác thấy được giá trị họ
Kỹ năng xây dựng mối quan hệ bền chặt không thể thiếu đi cách mà bạn cho người khác thấy được vai trò của họ. Sự công nhận công sức của người khác, giúp cho họ tin tưởng vào mối quan hệ và tiếp tục cố gắng thực hiện công việc, cũng như duy trì mối quan hệ lâu dài.
Toàn bộ kiến thức về việc xây dựng mối quan hệ đã được MBN Việt Nam chia sẻ trong nội dung bài viết trên đây. Bạn đã phần nào hiểu được tầm quan trọng của việc trau dồi kỹ năng xây dựng mối quan hệ để từ đó có những cách thức để phát triển và mở rộng quan hệ của mình.